Cánh cổng đại học đã không còn là ước mơ xa vời với nhiều học sinh cuối cấp bởi chỉ tiêu và các tiêu chí tuyển sinh từ các trường ngày càng đa dạng, phù hợp với nhiều bậc học lực. Tuy nhiên, sau những năm được đào tạo trong trường đại học, nhiều bạn tân cử nhân phải đối mặt với những lo lắng khi chưa tìm được việc làm phù hợp. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm càng nhiều nhưng lại không có việc làm vẫn luôn là vấn đề nan giải tại Việt Nam.
Năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học chắc hẳn là một năm rất vất vả với các bạn trẻ. Cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư trên tay, có bạn liên tục nhảy việc vì chưa thể tìm được một vị trí ổn định, phù hợp trong nhiều tháng. Một bộ phận do chưa thể đi làm chính thức đành tạm thời kiếm thêm thu nhập bằng các công việc thời vụ, lao động chân tay, trở thành xe ôm công nghệ, phục vụ bàn, v.v…
Đặc biệt, với tình trạng nhiều công ty, cơ sở sản xuất phải đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid, có những tân cử nhân, tân kỹ sư khóa mới tốt nghiệp vẫn đang ôm bằng ngồi nhà tìm việc qua các kênh tuyển dụng online.
Covid-19 khiến nhiều bạn tân cử nhân, tân kỹ sư lao đao khi tìm việc
Theo các khảo sát, có đến 70% sinh viên lo lắng về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp đại học và con số này đang có xu hướng tăng lên trong mùa dịch bệnh như hiện nay. Vậy nguyên nhân của tình trạng ngày càng nhiều sinh viên không có việc làm sau khi tốt nghiệp là gì? Giải pháp nào để các bạn tìm được công việc phù hợp?
Nguyên nhân tình trạng sinh viên sau tốt nghiệp không có việc làm
Ảnh hưởng của Covid trong hơn 1 năm qua đã khiến nhiều người mất đi công việc, bị giảm số giờ làm. Trong bối cảnh không mấy khả quan của thị trường lao động, các bạn tân cử nhân tốt nghiệp trong năm 2020 đã phải đối mặt với khởi đầu đầy khó khăn trên con đường sự nghiệp.
Tuy nhiên, kể cả giai đoạn những năm trước đại dịch, tình trạng sinh viên không tìm được việc, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vẫn luôn là bài toán của toàn xã hội. Vấn đề này ngoài những nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, chính sách tạo việc làm của nhà nước, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế mỗi năm thì còn đến từ những lý do nội tại trong mỗi sinh viên.
Sinh viên sau tốt nghiệp nhưng kiến thức chưa vững, thiếu kỹ năng mềm
Có một câu nói đùa nhưng phản ánh rất chính xác tình trạng học tập trong môi trường đại học của một bộ phận bạn trẻ: “Não các bạn đã chết sau kỳ thi đại học”. Quả thực, sau thời gian ôn thi căng thẳng với áp lực từ gia đình, nhà trường, nhiều sinh viên thường có tâm lý muốn nghỉ ngơi, thư giãn khi mới tiếp xúc với trường đại học.
Các bạn rất thiếu kỹ năng tự học, tự quản lý thời gian biểu cũng như vô định trong việc xác định hướng đi của bản thân. Do đó, sau khi cầm bằng, nhiều tân cử nhân vẫn chưa chín về kiến thức, lại thiếu các kỹ năng tin học, giao tiếp, ngoại ngữ để phù hợp với tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Thiếu kỹ năng khiến sinh viên khó ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng
Bên cạnh những bạn trẻ năng động, luôn chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm, thực tập ngoài giờ học trên giảng đường, có không ít những bạn trẻ ì ạch, đến lớp chỉ để điểm danh, hết giờ về nhà cày game, xem phim. Hệ lụy với lối sống và học tập thụ động đó khiến các bạn giống như những tờ giấy trắng, không thể ghi điểm trong buổi phỏng vấn xin việc.
Thụ động trong quá trình tìm việc và ứng tuyển
Các kênh thông tin tuyển dụng online ngày càng được mở rộng và phát triển giúp đỡ rất nhiều trong quá trình tìm kiếm vị trí việc làm phù hợp cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, sự tiện dụng này dành cho tất cả mọi người, đồng nghĩa với tỷ lệ cạnh tranh vào các vị trí sẽ cao hơn rất nhiều. Những bạn trẻ thụ động, không biết làm nổi bật bản thân thông qua CV hay vòng phỏng vấn sẽ khó có khả năng tiếp cận với những công việc tốt.
Sự thụ động khi tìm kiếm cơ hội việc làm khiến sinh viên hạn chế cơ hội phát triển
Bên cạnh đó, cơ hội việc làm có thể đến từ mọi mối quan hệ xã hội, gia đình, bạn bè. Nếu đang chưa tìm được công việc phù hợp lại nản chí và dành trọn thời gian để ở nhà hoặc làm các công việc part – time chỉ để kiếm thu nhập tạm thời, bạn sẽ ngày càng thụt lùi so với lứa bạn và bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để học hỏi, trải nghiệm, nâng cao năng lực bản thân.
Sinh viên cần làm gì để có công việc phù hợp?
Công việc tốt sẽ luôn đến với những bạn trẻ chủ động, năng nổ và chăm chỉ. Nếu đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể thay đổi tình trạng của mình khi dành thời gian để làm những việc sau đây.
Hãy học thêm những kỹ năng còn thiếu sót
Khắc phục điểm yếu và những kỹ năng còn thiếu sót là điều cần thiết nếu tân cử nhân muốn có một công việc tốt. Trong thời gian rải CV, thay vì ngồi nhà chờ đợi, bạn nên tham gia những khóa học hoặc tự học online để nâng cao khả năng của bản thân, giúp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Học thêm những kỹ năng còn thiếu để tự tin hơn khi gửi CV và tham gia phỏng vấn
Một số kỹ năng cần thiết giúp bạn có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí hiện nay như là:
- ♦ Các ngoại ngữ đang được ưa chuộng tại Việt Nam hiện nay như: Anh, Trung, Hàn, Nhật, Pháp, Đức.
- ♦ Tin học văn phòng: trình soạn thảo, excel, powerpoint, v.v…
- ♦ Tin học lập trình cơ bản, tìm hiểu thêm về website, v.v…
- ♦ Kỹ năng làm việc đội nhóm.
- ♦ Kỹ năng thuyết trình
- ♦ Kỹ năng viết content.
- ♦ Kỹ năng telesale
Thử sức tại một ngành nghề tiềm năng mới
Nếu bạn thuộc nhóm chưa tìm được việc do cảm thấy mình không phù hợp với ngành từng học hoặc cơ hội việc làm của ngành học không khả quan, đừng ngại thay đổi hướng đi và thử sức tại một ngành nghề tiềm năng khác.
Đầu tiên, bạn cần xác định những mong muốn và khả năng của bản thân. Đồng thời, tìm kiếm sự tư vấn của những người đi trước như: thầy cô, người thân, anh chị khóa trên, bạn bè để tìm kiếm một hướng đi mới. Tuổi trẻ là tuổi được thử và được sai, hãy tận dụng khoảng thời gian bắt đầu này để trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân.
Tự tin, chăm chỉ, cầu tiến
Tự tin thái quá sẽ trở thành tự cao nhưng thiếu tự tin sẽ làm mất đi cơ hội. Bạn trẻ cần làm chủ sự tự tin để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, luôn cố gắng thể hiện sự chăm chỉ, cầu tiến trong quá trình học việc, thử việc sẽ giúp bạn đến gần hơn với vị trí việc làm trong mục tiêu.
Phong thái tự tin là điều cần thiết khi tham gia phỏng vấn
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các bạn sinh viên tìm ra vấn đề của mình để có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm tốt hơn, phù hợp khả năng và mong muốn của bản thân. Chúc các bạn thành công trong công việc và cuộc sống!
♦ Đọc các bài viết về lĩnh vực khác: Đến bài viết